Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

DN cưỡng chế tài sản công dân: Có thật đã sai luật?

- Liên quan đến vụ việc ông Đồng Văn Vinh, người kí hợp đồng thuê kios tại khu đô thị Định Công với Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (viết tắt là HUDS), gửi tố cáo đến VietNamNet cho rằng, công ty HUDS đã thực hiện hành vi cưỡng chế tài sản trái pháp luật, thu giữ tài sản giá trị lớn, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, PV VietNamNet đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo công ty HUDS cũng như cá nhân ông Đồng Văn Vinh.

Hà Nội: Công dân tố cáo DN cưỡng chế sai pháp luật

Hợp đồng gây tranh cãi

Trao đổi với PV, ông Đồng Văn Vinh cho rằng, hợp đồng thuê kios giữa hai bên là vô hiệu bởi nhiều lý do.

“Từ khi đặt bút kí hợp đồng cho đến nay, tôi vẫn luôn cho rằng, đây là hợp đồng cho thuê nhà ở. Căn cứ theo Điều 492 BLDS 2005, hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Ông Vinh nói và cho biết, đã quá 6 tháng kể từ khi kí hợp đồng, phía Công ty HUDS vẫn không công chứng dù ông đã yêu cầu nhiều lần.

“Nếu Công ty HUDS không công chứng được thì chỉ có một lý do, đó là HUDS không thể chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với kios”, ông Vinh bức xúc.

Ngoài ra, theo ông Vinh, dựa trên quyết định số 01/2013/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, diện tích tầng 1 ông đang thuê làm kios là sở hữu chung của các hộ dân sinh sống tại các Tòa nhà chung cư hiện hữu và đang có tranh chấp.

HUDS, doanh nghiệp nhà nước, tố cáo
Ông Vinh cho rằng kios là tài sản thuộc sở hữu chung

“Diện tích kios thuộc về sở hữu chung của toàn bộ dân cư sinh sống trong khu chung cư, do đó khi Công ty HUDS đứng ra cho thuê, số tiền thu được phải được thỏa thuận trả lại một phần cho Ban quản trị tòa nhà, nhằm dùng cho những mục đích tái tạo, nâng cấp trang thiết bị trong tòa nhà”, ông Vinh nói.

“Bởi thế, dù rất sẵn sàng đóng tiền thuê nhà, nhưng với sự nhập nhèm quản lí và tính hợp pháp của hợp đồng, chưa kể Công ty đưa ra những khoản bất lợi cho đối phương, tôi không thể thực hiện nghĩa vụ của mình khi chưa làm rõ về mặt pháp luật”, ông Vinh giải thích.

Tại buổi làm việc trực tiếp với PV, ông Thiều Hữu Hảo, phó Giám đốc Công ty HUDS khẳng định, kios số 09 CT2-ĐN2 nói riêng và toàn bộ số kios đang cho thuê thuộc sở hữu Nhà nước, trao quyền cho Công ty HUDS quản lý.

“Chúng tôi có trách nhiệm bảo toàn, phát huy vốn nhà nước đã giao, nếu không thực hiện tốt sẽ chịu trách nhiệm trước nhà nước. Ông Vinh cho rằng Công ty phải có thỏa thuận với Ban quan trị tòa nhà thì mới đóng tiền, nhưng vấn đề tòa nhà đó đã có Ban quan trị chưa? Nếu chưa thì tại sao ông Vinh lại không biết nộp tiền cho ai, vào đâu?”, ông Hảo đặt ra câu hỏi.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng dịch vụ đô thị Công ty HUDS cũng nói rõ, kios cho ông Vinh thuê hiện tại không có tranh chấp. Phần diện tích này đã được xác lập sở hữu Nhà nước.

Cưỡng chế tài sản trong kios: liệu có sai luật?

Về vấn đề công chứng hợp đồng theo yêu cầu của ông Vinh, ông Nguyễn Chiến Thắng, phó phòng Tổ chức hành chính Công ty HUDS khẳng định: “Đây không phải là hợp đồng thuê nhà ở. Khi so sánh với định nghĩa “nhà ở” tại khoản 3 Điều 1 Luật nhà ở 2014, thì kios mà HUDS cho thuê là một phần trong khu chung cư, được sử dụng với mục đích không phải để ở mà để kinh doanh, bán hàng. Kios là một tài sản do Nhà nước giao cho HUDS quản lí. Vì thế phải vận dụng Điều 480 BLDS 2005 mới hợp lí, tức đây là hợp đồng cho thuê tài sản, về mặt hình thức không cần công chứng, đương nhiên rất có hiệu lực pháp luật”.

Cũng bởi lí do đó, phía Công ty HUDS đã thành lập ra Ban chỉ đạo ra quyết định thu hồi mặt bằng theo thỏa thuận tại Điều 9 ghi trong hợp đồng. Ngày 26/08, Công ty HUDS huy động cán bộ công nhân viên của mình đến bốc dỡ, xếp hàng hóa tại cửa hàng ông Vinh lên xe tải, di chuyển về kho hàng của HUDS.

HUDS, doanh nghiệp nhà nước, tố cáo
Phía bên trong kios của ông Vinh sau khi đã bị di dời tài sản

“Trước khi tiến hành việc di dời tài sản ngày 26/08, chúng tôi đã nhiều lần gửi giấy mời, thông báo đến ông Vinh yêu cầu gặp gỡ, trao đổi. Thế nhưng ông Vinh không chịu gặp mặt, còn lấy cớ không nhận được thông báo hoặc thất lạc thư”, ông Thiều Hữu Hảo, phó giám đốc Công ty HUDS cho biết.

“Khoản 3 Điều 9 trong hợp đồng nêu rõ, trong trường hợp ông Vinh không di dời tài sản của mình sau 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi kios, chúng tôi sẽ di chuyển hoặc giữ tài sản của ông Vinh. Trước khi di chuyển, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản, kê biên tài sản với đủ thành phần tham gia”, ông Hảo giải thích.

Đồng thời, cũng theo ông Hảo, hợp đồng ký kết giữa hai bên hoàn toàn dựa trên thỏa thuận sòng phẳng, không có bất kỳ sự cưỡng ép nào. Khi đã đặt bút kí vào hợp đồng, ông Vinh đã trao quyền cho Công ty HUDS được phép thực hiện việc di dời tài sản.

“Hợp đồng của chúng tôi có hiệu lực pháp lý, tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Không nhận được tiền thuê kios, chúng tôi hoàn toàn bất lực và buộc phải thực hiện biện pháp cuối cùng “bất đắc dĩ” này. Tuy nhiên vì đạo đức doanh nghiệp, công ty HUDS không có hành vi hủy hoại, bỏ mặc tài sản của ông Vinh mà đóng gói, niêm phong chuyển đến kho hàng của HUDS cất giữ”, ông Hảo cho hay.

HUDS, doanh nghiệp nhà nước, tố cáo
Công ty HUDS cho biết đã niêm phong tài sản của ông Vinh cẩn thận và chuyển đến kho hàng của mình

Tuy nhiên, phía ông Đồng Văn Vinh vẫn giữ nguyên quan điểm của mình khi cho rằng, hợp đồng giữa hai bên vô hiệu do không thể là hợp đồng thuê tài sản mà phải là thuê nhà. Mặt khác, dù hợp đồng này có hiệu lực pháp luật thì hành vi của Công ty HUDS vẫn không phải di dời tài sản theo thỏa thuận mà là tước đoạt quyền sở hữu, chiếm dụng, định đoạt tài sản của ông.

“Nếu họ làm theo đúng luật, tại sao lại huy động hàng trăm người đến dồn chúng tôi vào tình trạng không thể phản kháng, thậm chí còn dùng dùi cui ra tay đánh em trai tôi?”, ông Vinh bức xúc và cho biết thêm: “Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có Cơ quan thi hành án, UBND hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có quyền cưỡng chế. Công ty HUDS là doanh nghiệp nên họ chỉ là chủ thể bình thường không có chức năng tổ chức cưỡng chế. Hành vi dùng vũ lực, đem người đến đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện các thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản hợp pháp của gia đình tôi là hành vi trái pháp luật”.

Do đó, ông Vinh kiên quyết sẽ thực hiện khởi kiện ra tòa án về hành vi này của công ty HUDS. Phía công ty HUDS cũng cho biết đang xem xét các thủ tục để khởi kiện ông Vinh về hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Thành Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét