Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Chồng đòi ly hôn, nợ cũ ai trả?

- Vợ chồng tôi kết hôn với nhau được 10 năm, có hai con trai sinh đôi năm nay 8 tuổi. Sau khi cưới, mẹ đẻ và chị gái tôi có cho chồng tôi vay số tiền 3 tỷ đồng để làm công ty.

Không cẩn thận, chủ tiệm vàng cũng bị lừa bán vàng giả
Phát hiện lưu hành tiền giả, phạt tù bao nhiêu năm?
Đánh người để trả đũa rồi tái mặt đi tù

Hiện tại, chúng tôi đã trả nợ được hết cho mẹ, chỉ còn nợ chị gái 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần đây tôi phát hiện ra chồng mình qua lại với một người phụ nữ khác, thậm chí còn đem tiền của nhà đi cho cô ta. Chúng tôi lời qua tiếng lại và đòi ly hôn. Nhưng anh ta nói, nếu ly hôn sẽ không trả tiền cho chị gái tôi.

Xin hỏi luật sư, nếu chúng tôi ly dị, chúng tôi có phải chia đôi số nợ kia để trả không? Trên giấy tờ viết, chỉ có chồng tôi vay, không có tên tôi. Nếu tôi có khả năng nuôi con, còn anh ta lấy vợ mới thì đó có là căn cứ để tôi được nuôi các con không? Cảm ơn luật sư.

tư vấn pháp luật, ly hôn, tài sản, quyền nuôi con
Anh ta nói nếu ly hôn sẽ không trả nợ cho chị gái tôi (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Nghĩa vụ tài sản khi ly hôn

Theo quy định tại điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì khi ly hôn vợ, chồng có tranh chấp về nghĩa vụ của tài sản đối với người thứ 3 thì sẽ áp dụng quy định tại điều 27, 37 và 45 luật này:

"1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết".

Theo quy định tại điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình về nghĩa vụ chung tài sản của vợ chồng thì các nghĩa vụ sau đây sẽ dùng tài sản chung của cả hai để giải quyết:

"1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan".

Ngoài ra, theo quy định tại điều 30 Luật Hôn nhân và Gia đình nếu việc vay tiền của chồng bạn để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bạn cũng sẽ chịu trách nhiệm liên đới với khoản nợ này dù trong giấy vay nợ chỉ ghi tên chồng bạn.

Thứ 2: Về quyền nuôi con.

Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Về nguyên tắc, việc nuôi con khi ly hôn do hai bên thỏa thuận, nếu không có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Bạn có nguyện vọng được nuôi cả hai con thì bạn phải đưa ra các chứng cứ chứng minh với tòa án rằng bạn có đủ điều kiện tốt hơn chồng về mọi mặt để nuôi con giúp con phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.

Con bạn đã 8 tuổi nên phải xem xét nguyện vọng của con, các cháu muốn sống với bố hay mẹ. Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như:

+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ

+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai

Bạn cũng có quyền yêu cầu chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu yêu cầu nuôi con của bạn được tòa án chấp thuận. Điều này được quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con".

Như vậy, nếu bạn chứng minh được các điều kiện nêu ở trên thì việc bạn yêu cầu tòa án xem xét để chấp nhận quyền được nuôi con hoàn toàn có căn cứ để tòa án xem xét, giải quyết.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét