Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Nhà của chồng và vợ cũ, vợ mới khó lòng hưởng thừa kế?

- Cô chú tôi kết hôn năm 1997, khi đó chú tôi đã ly dị vợ và có một người con trai chung. Khi chú lấy cô tôi bây giờ, hai người đã đăng kí kết hôn và có một con gái năm nay 13 tuổi. Cả gia đình chú sống tại ngôi nhà mà chú và người vợ cũ đã cùng xây dựng lên, khi ly hôn hai người không thỏa thuận chia ngôi nhà mà để chú sống, tức vẫn thuộc tài sản chung của họ.

Lợi dụng bạn tốt, giả vờ làm mất rồi chiếm luôn xe đẹp
Lừa đảo gần 1 tỷ nhưng đến phút chót lại từ chối nhận tiền
Chồng chết, vợ và con cùng nhau... trốn nợ

Năm ngoái chú tôi bị ốm nên được con trai chú đón về nhà riêng chăm sóc, còn cô và con gái vẫn sống ở ngôi nhà cũ đó. Người con trai chú muốn bán ngôi nhà đó đi, với lí do đó là tài sản chung giữa mẹ anh ta và chú, cô tôi không có quyền ngăn cản. Xin hỏi luật sư trong trường hợp chú tôi không qua khỏi, không kịp để lại di chúc thì theo pháp luật, cô và con gái có được hưởng phần thừa kế của ngôi nhà đó không? Hay ngôi nhà đó được chia như thế nào?

thừa kế, pháp luật, di chúc, vợ chồng
Vợ và con riêng chú có được chia phần? (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, giữa chú bạn và người vợ cũ đã tạo dựng được khối tài sản chung là ngôi nhà mà người vợ hiện tại và con gái đang quản lý, sử dụng. Mặc dù chú bạn đã ly hôn nhưng hai người chưa phân chia tài sản thông qua Bản án có hiệu lực của Tòa án hoặc thỏa thuận hợp pháp theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đây vẫn là tài sản thuộc sỡ hữu chung của chú bạn và người vợ cũ.

Do đó, việc mua bán, tặng cho hay chuyển nhượng làm biến động quyền quản lý, sử dụng ngôi nhà đó là quyền của chú bạn và người vợ cũ chứ không phụ thuộc vào ý chí của người con trai hay người vợ bây giờ.

Trong trường hợp chú của bạn chết đi không để lại di chúc, khi đó, tài sản chú bạn để lại thừa kế sẽ được phân chia cho những người thừa kế theo pháp luật. cụ thể:

“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Đối chiếu với quy định trên, phần tài sản chú bạn để lại sẽ được chia đều cho người vợ hiện tại, con gái và con trai. Khi đó ngôi nhà sẽ là tài sản chung của: vợ cũ, vợ mới, con trai và con gái. Nếu các bên thống nhất được cách phân chia thì có thể thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng.

Nếu các bên không thống nhất được cách phân chia, thì một trong những người nêu trên có thể khởi kiện vụ việc tới Tòa án có thầm quyền đề nghị giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT 0986663459; email luatthemis@gmail.com.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét